Có rất nhiều học viên gặp trường hợp đã làm tốt các phần khác nhưng lại trượt vì không đạt điểm tối thiểu ở phần đọc hiểu. Theo như các bạn chia sẻ là do đọc nhưng không thể hiểu được nội dung văn bản và không biết nên luyện tập như thế nào để cải thiện kỹ năng này. Do vậy, tại bài viết này Dũng Mori sẽ mách bạn các tip để giải quyết vấn đề này. Hi vọng khi đọc bài viết này, bạn sẽ giảm bớt cảm giác sợ hãi đối với phần đọc hiểu và tăng điểm số của mình.

         

1. Làm quen và làm nhiều để rèn luyện các kĩ năng đọc

 Làm quen với văn bản là rất quan trọng trong quá trình khởi động cho đọc hiểu. Ban đầu, hãy luyện tập đọc nhanh các đoạn văn ngắn. 

 + Đối với N4, thích hợp nhất là các bài đọc ở cuối sách Minnano Nihongo.

 + Đối với N3 chúng ta có thể chọn các đoạn văn ngắn và đơn giản từ các sách luyện thi.

Nên chọn các bài băn ở mức độ thấp hơn một cấp so với cấp độ mà bạn đang luyện thi khi mới bắt đầu luyện đọc.

 Rèn luyện kĩ năng “Đọc nhanh”

Tự đặt thời gian và luyện tập đọc nhanh. Trong quá trình đọc nếu gặp từ không biết, hãy cứ bỏ qua và tiếp tục đọc. Đồng thời khoanh tròn hoặc gạch chân lại những từ vựng mà mình chưa biết.

Hết thời gian, hãy dừng lại việc đọc và lập tức gấp sách lại. Sau đó, tự trần thuật hoặc hỏi đáp bản thân xem mình hiểu được bao nhiêu % nội dung văn bản.

Các thông tin như: nhân vật xuất hiện, bối cảnh, ai đang nói về điều gì,...

Giai đoạn đầu tiếp xúc, luyện đọc theo các bước trên sẽ giúp chúng ta nhanh chóng nắm bắt được nội dung chính và bỏ dần thói quen tạm bỏ qua những từ không hiểu để tiếp tục đọc.

2. Đọc câu hỏi trước khi đọc văn bản

Không nên đọc ngay văn bản mà trước hết hãy đọc câu hỏi. Đọc câu hỏi trước sẽ giúp chúng ta biết cần chú ý điều gì khi đọc văn bản. Thêm vào đó, cũng có thể nắm được các từ khóa quan trọng trong văn bản.

Ví dụ: Nếu câu hỏi là “Lý do tác giả ngạc nhiên là gì?” thì từ khóa sẽ là “ngạc nhiên”. Hãy dựa vào từ khóa này để đi tìm kiếm thông tin trong văn bản.

Tuy nhiên từ khóa có thể không trực tiếp xuất hiện mà sẽ được viết dưới một hình thức khác.

Ví dụ: Với ý nghĩa “ngạc nhiên” 「おどろく」 có thể được viết bằng từ 「びっくりした」. Nếu chúng ta không biết 「おどろく」và「びっくりした」là cùng một nghĩa, sẽ bỏ qua từ khóa.

Để đạt điểm cao trong đọc hiểu, bắt buộc phải có kiến thức về từ vựng. Vì vậy, việc học từ vựng cực kỳ quan trọng.

3. Chú ý đến chỉ từ (指示語)

Nhiều bạn học viên gặp khó khăn trong việc xác định chỉ từ đang nói đến điều gì.

Trước hết, hãy khoanh tròn vào chỉ từ như 「それ」「この」「このように」để làm nổi bật, khoanh vùng thông tin tìm kiếm.

Thông thường ngay trước chỉ từ sẽ có thông tin về điều đang ám chỉ, nên chúng ta có thể làm các dạng bài này để luyện tập kĩ năng tìm kiếm. 

Chỉ từ cũng thường xuyên xuất hiện trong câu hỏi nên việc làm quen với chúng là rất quan trọng.

4. Chia nhỏ câu dài

Đối với những câu dài chúng ta nên ký hiệu dấu “/” tại các điểm ngắt câu để chia câu thành các phần ngắn hơn, giúp dễ hiểu hơn.

Ví dụ, đặt dấu "/" tại các vị trí như "~ので", "~から", "~と", "~ば", "~たら", "~なら", "~ても", "~のに".

Nhờ vậy giúp chúng ta dễ dàng nắm bắt ý nghĩa hơn.

5. Xác định chủ thể hành động “Ai làm gì?”, “Ai như thế nào?”

Khó khăn lớn nhất đối với học viên khi làm đọc hiểu là không xác định được ai làm gì, cảm xúc của ai,... Bởi lẽ khác với tiếng Việt, tiếng Nhật thường ẩn chủ ngữ trong câu. 

Ví dụ như với các ngữ pháp sau khi đọc chúng ta phải chú ý đến “chủ thể của hành động” là ai: 

- Thể bị động 「れる」「られる」

- Cách nói cho và nhận「てあげる」「てもらう」「てくれる」

- Ngữ pháp thể hiện mong muốn 「たい」「たがる」「てほしい」

Nếu xác định sai phương hướng, chủ thể của hành động thì chúng ta sẽ không thể phân tích logic các dữ liệu. Đồng nghĩa với việc không thể đưa ra câu trả lời chính xác.

6. Chú ý đến từ nối, đặc biệt là từ nối 「しかし」

Hãy thực hiện thao tác giống như chỉ từ, chúng ta cũng nên khoanh tròn hoặc gạch chân chúng.

Trong bài văn, những thông tin viết sau từ 「しかし」rất quan trọng. Nội dung nêu ra trước đó có thể đảo ngược khi từ nối 「しかし」này xuất hiện.

Thêm vào đó, những gì tác giả muốn nói hoặc những điểm quan trọng của văn bản sẽ được viết sau từ nối này nên chúng ta hãy chú ý kĩ đến phần này nhé!

7. Phân bổ thời gian hợp lý và sử dụng phương pháp loại trừ

Việc biết cách phân bổ thời gian, thứ tự làm bài và sử dụng phương pháp loại trừ trong phần đọc hiểu có thể quyết định đến việc bạn có đậu hay không.

Chia thời gian cho mỗi bài đọc hiểu sẽ đảm bảo bạn có đủ thời gian làm tất cả các câu hỏi. Đừng dành quá nhiều thời gian cho một câu hỏi khó, hãy quay lại sau nếu còn thời gian.

Khi không chắc chắn về câu trả lời, sử dụng phương pháp loại trừ để loại bỏ các đáp án không hợp lý. Tập trung vào các lựa chọn còn lại để tìm ra đáp án chính xác.

8. Tham khảo thêm, hiểu hơn về cơ cấu ra đề Đọc hiểu JLPT 

Tại đây Dũng Mori sẽ chia sẻ về 4 dạng bài đọc khó do ban tổ chức kì thi JLPT đăng tải trên trang chủ của họ.

Dạng bài hiểu chính xác nội dung (từng phần nhỏ) của văn bản

Chú trọng vào việc liệu bạn có thể đọc kỹ các phần chi tiết và hiểu chính xác nội dung văn bản bằng kiến thức từ vựng của mình hay không. Các câu hỏi trong dạng bài này sẽ kiểm tra xem bạn có hiểu được các mối liên quan thực tế được viết trong văn bản, có nắm bắt được lí do và nguyên nhân hay có hiểu được ý nghĩa của sự vật, sự việc tại văn cảnh đó hay không.

Dạng bài hiểu chính xác nội dung (rộng hơn một phần hoặc toàn bộ) của văn bản

Khi đọc hiểu ngôn ngữ thứ hai, thường xảy ra tình trạng dù hiểu được các phần chi tiết của văn bản nhưng lại không hiểu được toàn bộ nội dung văn bản là gì. Việc nắm bắt chính xác nội dung toàn văn bản, hiểu được ý chính, nhận biết từ khóa và cách triển khai luận điểm là những kỹ năng quan trọng trong đọc hiểu. Vậy nên tại cấp độ N1, N2, N3 với dạng bài đọc “hiểu nội dung” này yêu cầu thí sinh “đọc nhanh nhưng vẫn phải đọc kĩ toàn bộ”.

Ngoài ra, đối với các văn bản nghị luận, chúng ta còn phải hiểu được mục đích truyền tải và ý muốn của tác giả. Do đó ở cấp độ N1, N2 sẽ có câu hỏi “Hiểu quan điểm” đòi hỏi thí sinh phải đọc và phân tích văn bản để xác định:

- Mục đích của văn bản là gì? Tác giả muốn truyền tải điều gì thông qua văn bản này?

- Quan điểm của tác giả là gì? Tác giả đồng tình hay phản đối điều gì? Ý kiến của tác giả là gì?

- Các luận cứ cụ thể là gì? Các lý do hoặc dẫn chứng mà tác giả đã sử dụng để bày tỏ quan điểm của mình là gì?

Nếu nắm bắt, xác định được các yếu tố trên thí sinh sẽ có thể trả lời chính xác các câu hỏi liên quan đến nội dung và quan điểm của tác giả.

Dạng bài với các câu hỏi về việc so sánh và tổng hợp nhiều văn bản liên quan

Một kỹ năng đọc hiểu khác là khi đọc một văn bản, bạn có thể liên kết với các văn bản khác có nội dung liên quan, so sánh được các điểm chung và riêng, từ đó tổng hợp được nội dung của nhiều văn bản. Do đó sẽ yêu cầu thí sinh phải “đọc nhanh nội dung toàn bài nhưng vẫn phải đọc kỹ, để ý đến các chi tiết nhỏ”. Dạng bài này sẽ xuất hiện ở cấp độ N1, N2 với câu hỏi như: Chỉ ra điểm chung và sự khác nhau giữa hai văn bản viết cùng về một chủ đề.

Dạng bài tìm kiếm thông tin cần thiết từ các thông báo, tờ rơi,...

Dạng bài này sẽ tập trung vào việc tìm ra các thông tin cần thiết từ văn bản dựa trên những gợi ý về mục đích hoặc nhiệm vụ ở câu hỏi. Cho nên, kĩ năng “đọc lướt toàn bộ nội dung rồi đến từng phần” là cần thiết cho mọi cấp độ đọc hiểu.

Gợi ý đặc biệt mẹo và thứ tự các bước làm dạng bài đọc tìm kiếm thông tin “dễ ăn điểm”:

Bước 1: Đọc lướt toàn bộ văn bản

- Mục tiêu: Nắm bắt ý chính của văn bản một cách nhanh chóng.

- Mẹo: Đọc nhanh qua văn bản để có cái nhìn tổng quan, chú ý đến các tiêu đề, mục lục, và các từ in đậm hoặc in nghiêng.

Bước 2: Xác định từ khóa trong câu hỏi

- Mục tiêu: Xác định thông tin cụ thể mà câu hỏi yêu cầu

- Mẹo: Đọc câu hỏi kỹ lưỡng và tìm ra các từ khóa quan trọng. Ví dụ: tên, số liệu, ngày tháng, hoặc các điều kiện cụ thể.

Bước 3: Tìm kiếm từ khóa trong văn bản

- Mục tiêu: Xác định vị trí của thông tin cần thiết trong văn bản.

- Mẹo: Quay lại văn bản và tìm kiếm các từ khóa đã xác định. Sử dụng kỹ thuật đọc quét (skimming) để tìm nhanh các từ khóa hoặc các phần có chứa từ khóa.

Bước 4: Đọc kỹ phần chứa từ khóa

- Mục tiêu: Hiểu rõ thông tin liên quan đến từ khóa để trả lời câu hỏi.

- Mẹo: Khi tìm thấy từ khóa trong văn bản, đọc kỹ đoạn văn xung quanh để nắm rõ ngữ cảnh và thông tin chi tiết.

Bước 5: So sánh và đối chiếu thông tin

- Mục tiêu: Đảm bảo thông tin tìm được phù hợp với yêu cầu của câu hỏi.

- Mẹo: Đối chiếu thông tin tìm được với câu hỏi để đảm bảo tính chính xác. Nếu cần, đọc lại câu hỏi và phần văn bản để xác nhận. Loại trừ các đáp án có thông tin không phù hợp.

* Lưu ý: Chú ý đến các chỉ từ và từ nối

Kết bài

Hãy luyện tập đọc hàng ngày và thường xuyên để cải thiện kỹ năng đọc. Đồng thời cũng sẽ làm quen được với cách diễn đạt của tiếng Nhật. Đọc nhiều sẽ giúp bạn khắc phục cảm giác sợ hãi đối với phần đọc hiểu.

Trên thực tế việc trở nên thành thạo các kỹ năng đọc hiểu trong một thời gian ngắn là rất khó. Tuy nhiên nếu bạn có thể khắc phục được cảm giác sợ hãi, xây dựng được sự tự tin trong giải quyết các câu hỏi thì bạn đã tiến gần hơn đến việc đậu kỳ thi JLPT rồi. Với việc áp dụng những tip trên Dũng Mori tin rằng bạn sẽ cải thiện được kỹ năng đọc hiểu và tự tin hơn khi làm bài trong kì thi JLPT tới.